Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tổ chức sự kiện, chuyên gia Bill Nguyễn cho rằng nhiều bạn trẻ đang chạy theo thứ ánh sáng phù phiếm mà quên mất rằng nghề tổ chức sự kiện là nghề của sự cực nhọc, của áp lực, của những bữa ăn bỏ quên và nhiều đêm mất ngủ.
Trong một vài năm trở lại đây, nhiều trường Đại học không chỉ tập trung đào tạo kiến thức chuyên môn mà còn thường xuyên tổ chức các sự kiện (sự kiện chào Tân sinh viên, cuộc thi MC, cuộc thi sắc đẹp,...) nhằm tạo môi trường hoạt động ngoại khoá cho các bạn sinh viên năng động. Từ cái nôi Đại học, nghề tổ chức sự kiện trở thành hướng đi được nhiều bạn trẻ yêu thích và quyết định gắn bó ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường. Nhưng thực tế đang cho thấy, số lượng tham gia nghề cực đông - tỉ lệ bỏ nghề cũng rất nhanh và lớn.
Chuyên gia Bill Nguyễn - người từng có hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành Tổ chức sự kiện, là chuyên gia tư vấn chiến lược truyền thông và sự kiện cho các nhãn hàng lớn trong nước và quốc tế như: Mercedes-Benz, Unilever… và hiện đang giảng dạy môn Tổ chức sự kiện chuyên nghiệp tại các trường Đại học: Kent International College, Đại Học Tôn Đức Thắng, Đại Học Tài Chính - Marketing..., đã có những chia sẻ toàn diện về nghề từ góc khuất đến vinh quang, cũng như đưa ra lời khuyên cho nhiều bạn trẻ.
Tổ chức sự kiện: làm 1 nghề phải biết 9 nghề!
Trước khi trở thành một đạo diễn và nhà sản xuất như hiện tại, Bill Nguyễn từng có thời gian trải nghiệm nhiều qua nhiều nghề nghiệp như MC, nhà quản lý dự án,..., anh chia sẻ: "Nghề này là một trong những nghề khá đặc biệt do để làm được một event hoàn chỉnh chúng ta cần kết hợp được rất nhiều những lĩnh vực khác nhau và có kiến thức tổng hợp ở nhiều chuyên ngành.
Trước tiên để lên kế hoạch cho một sự kiện, chúng ta cần có kiến thức tổng quát về marketing và truyền thông, phải có hiểu biết về sân khấu hoá, các yếu tố văn hoá nghệ thuật, cũng như kỹ năng phân tích, lập kế hoạch, xây dựng đề án, thuyết trình và thuyết phục….
Khi kế hoạch hoàn thành thì triển khai khai từ một bản đề án sự kiện, một kịch bản ra hiện thực lại là câu chuyện khác. Quá trình này, người làm sự kiện sẽ phải làm việc với các đơn vị về sản xuất, từ địa điểm tổ chức, sân khấu, âm thanh, ánh sáng cho đến MC, ca sĩ, nhóm nhảy, nhân sự hỗ trợ,..."
Nhìn chung, việc nghiên cứu và học hỏi ở tất cả các lĩnh vực là điều buộc ai cũng phải làm nếu muốn theo đuổi lĩnh vực tổ chức sự kiện. Mỗi bộ phận, mỗi đơn vị liên kết tổ chức là một mắt xích quan trọng, là yếu tố không thể thiếu đảm bảo cho chương trình thành công. Mở rộng quan hệ xã hội, trau dồi kĩ năng giao tiếp chính là chìa khoá để người làm sự kiện bước đi một cách dễ dàng hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
Nghề sự kiện không dành cho người ảo tưởng sức mạnh, yêu thích thứ ánh sáng phù phiếm
Tâm sự về những góc khuất và cám dỗ của nghề tổ chức sự kiện, Bill Nguyễn cho rằng cám dỗ trong nghề nảy sinh và hình thành chủ yếu từ các cá nhân, không mang tính đại diện. Nhưng ngược lại, nghề sự kiện lại có rất nhiều góc khuất mà anh thường xuyên chia sẻ tại các buổi hội thảo:
"1. Nghề không chính quy: Có đến 60-70% nhân sự làm nghề này là làm trái ngành. Đôi khi dòng đời đẩy đưa, hoặc một cơ duyên nào đó dẫn dắt các bạn đi làm event. Nên nói đây là "Nghề" mà bạn chọn cũng được, mà "Nghiệp" thì cũng chẳng sai.
2. Nghề không thân thiện: Nghề này chỉ thật sự phát triển tại các thành phố lớn, còn khi về các vùng nông thôn, kể cho bố mẹ nghe về nghề tổ chức sự kiện, chắc chắn bố mẹ sẽ hỏi là "mày đi làm đám cưới, đi khiêng loa hả con…?". Nghề này cũng không thân thiện khi phải đi sớm về khuya, phải làm việc cuối tuần, phải đi công tác nhiều ngày, phải đi xe, đi máy bay đều như cơm bữa…. có khi cả tuần không gặp gia đình, không thân thiện là vì vậy. Nhiều khi còn dễ độc thân quá lâu vì không có thời gian mà đi hẹn hò.
3. Nghề của sự ảo tưởng sức mạnh: Nhiều bạn nghĩ làm nghề event là sẽ được làm các show ca nhạc hoành tráng mà bạn thấy trên TV, được gặp gỡ nhiều ca sĩ, diễn viên thần tượng, được cầm bộ đàm, micro điều khiển và sắp xếp mọi nhân sự trong event….
Chính điều này là những ánh sáng phù phiếm khiến đa số các bạn trẻ lựa chọn nghề này. Phải nói thật, tổ chức sự kiện là nghề của sự cực nhọc, của áp lực, của những giây phút căng thẳng khi sắp đến giờ event, của những bữa bỏ ăn hay những đêm không ngủ để chạy deadline hay set up hiện trường. Có thể nói, nghề sự kiện chưa bao giờ màu hồng như các bạn từng nghĩ.
4. Nghề chuyển động nhanh: Đây là một trong những nghề có sự chuyển động rất nhanh. Nếu như bạn thật sự có năng lực và đam mê nghề nghiệp, bạn có thể phát triển và lên cấp bậc trưởng phòng chỉ trong vòng 3 năm mới một mức lương hấp dẫn, mất từ 5 năm để có thể quản lý một bộ phận và hoàn toàn có đủ khả năng mở công ty riêng trong khoảng 10 năm làm việc. Do đó nhân sự trong ngành này đổi việc liên tục và có nhiều tham vọng để chinh phục cấp bậc cao hơn, hoặc chỉ đơn giản là được làm event lớn hơn, hấp dẫn hơn.
Và dĩ nhiên, vì tính chuyển động nhanh của nó, mà số lượng bỏ nghề cũng rất nhanh và rất lớn, nếu bạn không thật sự yêu thích nó, bạn sẽ bỏ nghề ngay sau 1 năm làm việc và nếu bạn không phát triển đủ năng lực để trụ lại thì nghề này sẽ chính nó sẽ đào thải bạn chỉ trong vòng từ 1 – 3 năm.
5. Nghề của "Vinh quang không ánh sáng": Những giây phút chúng ta cảm thấy hạnh phúc và tuyệt vời nhất là khi chúng ta đứng sau cánh gà sân khấu, hoặc trên khu vực kỹ thuật và nhìn những màn trình diễn được toả sáng, là nhìn hàng ngàn khán giả reo hò theo nhịp điệu sự kiện, là giây phút mà một sản phẩm mới được ra mắt trên thị trường… Chúng tôi xem đó là những lúc vinh quang nhất mà nghề này đem lại, dù đó là vinh quang không ánh sáng. Chính những giây phút này cũng tạo nên động lực để sống lâu, và luôn cháy hết mình với nghề.
Tổ chức sự kiện đã bước chân vào trường Đại học, trở thành một chuyên ngành đào tạo chính quy
Nhìn vào khoảng thời gian 10 năm trước, có thể dễ dàng nhận thấy tổ chức sự kiện khi đó còn là lĩnh vực khá mới mẻ, các sự kiện ra mắt sản phẩm thường có quy mô nhỏ và vừa chứ chưa thực sự hoành tráng như những năm gần đây. Các sự kiện lớn trước kia thường chỉ tập trung chủ yếu vào hai thời điểm đầu năm và cuối năm cũng như một số ngày lễ lớn.
Tuy nhiên, hiện nay Tổ chức sự kiện đang được xem là lĩnh vực "trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng", phát triển với tốc độ rất nhanh và mạnh. Trong đó, có 3 điểm mới được chuyên gia Bill Nguyễn đưa ra, đó là:
"Trước hết, số lượng cũng như chất lượng các event ngày càng nhiều, càng quy mô, thu hút đông đảo sự quan tâm của khán giả. Phần nhiều là các công ty, nhãn hàng đầu tư để thu hút khách hàng thông qua các hoạt động tương tác và trải nghiệm trực tiếp.
Ngành sự kiện ở Việt Nam cũng đã có sự đầu tư rất lớn về mặt kỹ thuật, thiết bị và công nghệ, có thể nói về mặt thiết bị kỹ thuật như âm thanh, ánh sáng, màn LED, công nghệ trình chiếu… chúng ta hoàn toàn không thua các nước trong khu vực. Chính điều này càng giúp các công ty tổ chức sự kiện mạnh dạn làm các ý tưởng "khủng" và "wow" hơn cho event của mình.
Và cuối cùng, là sự thay đổi về nghề nghiệp và giáo dục. Hiện tại số lượng công ty hoạt động trong ngành sự kiện rất nhiều, có thể gấp 3 lần so với 10 năm trước đây. Do đó nhu cầu về nhân sự trong ngành cũng gia tăng theo, các bạn trẻ ngày càng yêu thích và lựa chọn công việc này. Thời 10 năm trước, có rất ít trường dạy về "Tổ chức sự kiện", đa số là các khoá học ngắn hạn. Nhưng hiện nay đón được xu hướng gia tăng này, nên các trường Đại học hiện giờ đã bắt đầu có khoa, chuyên ngành Tổ chức sự kiện hoặc môn Tổ chức sự kiện trong các giáo trình của mình nhằm thu hút các sinh viên yêu thích, đây là một sự thay đổi rất tốt."
Muốn thành công trong nghề, bạn phải học vì bạn không thể biết người khác giỏi hơn bạn thế nào
Hiện nay, lựa chọn dấn thân vào lĩnh vực tổ chức sự kiện là hướng đi của rất nhiều bạn trẻ ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, thậm chí là trung học phổ thông. Để có thể theo đuổi đam mê và gắn bó với nghề, đó chắc chắn không phải là điều dễ dàng. Chuyên gia Bill Nguyễn cho rằng: "Nếu đã xác định được đam mê của mình từ lúc còn ngồi trên ghế phổ thông, hãy lựa chọn học đại học đào tạo các ngành sự kiện hoặc có liên quan đến ngành sự kiện. Tấm bằng chính là giấy thông hành cho bạn để bước chân vào ngành này.
Bên cạnh đó, các bạn nên tham gia và thật sự trải nghiệm sự kiện trong những hoạt động tại Đoàn trường, câu lạc bộ và thậm chí tự tổ chức sự kiện trong môi trường Đại học, đó chắc chắn là những hành trang, kinh nghiệm quý báu cho các bạn sau này.
Bạn không thể biết được người khác giỏi hơn bạn thế nào, nên hãy cố gắng trang bị cho mình kiến thức tổng hợp, kĩ năng làm việc, kỹ năng xã hội để có bước khởi đầu thật tốt. Ngành sự kiện là một ngành rất đặc biệt với vô số hào quang sân khấu vây quanh. Nhưng rất ít người có thể đạt được thành công và sống lâu dài với ngành nghề này nếu không có sự cố gắng và không giữ được niềm đam mê cháy bỏng."
Viết bình luận